CÁC VỤ TRANH CHẤP NHÃN HIỆU

Rõ ràng dù ở bất kì tình huống nào thì chỉ có những thương hiệu, nhãn hiệu có giá và được người tiêu dùng đón nhận mới được nhà sản xuất, DN đi sau muốn… “ăn theo”.

1. THANH RAM VI TÍNH HIỆU KINGMAX: 

 Như tin đã đưa trên website của Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh: Công ty TNHH PT-KT Ứng dụng Viễn Sơn có Đơn yêu cầu Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh kiểm tra, giám sát hàng hóa là Ram vi tính hiệu “Kingmax” do Công ty là chủ sở hữu quyền theo Giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa số 77256 của Cục Sở hữu trí tuệ cấp ngày 24.11.2006.


 
Tháng 4 năm 2007, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đã tạm dừng thủ tục hải quan của lô hàng Ram vi tính hiệu “Kingmax”, và lập biên bản vi phạm đối với Công ty TNHH TM-DV máy tính Đinh Nguyễn về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu này. Cho đến nay vẫn chưa có kết quả xử lý cuối cùng, vì còn nhiều vấn đề phức tạp liên quan đến thẩm quyền xử phạt và giải quyết tranh chấp.
Trong thời gian Cục Hải quan TP.HCM thụ lý, giải quyết vụ vi phạm trên, thì Công ty TNHH TM-DV Đinh Nguyễn kiện Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất tại Tòa Hành chính – Tòa án Nhân dân TP.HCM, yêu cầu Tòa hủy Quyết định tạm dừng thủ tục Hải quan (đối với lô hàng Ram vi tính hiệu “Kingmax”) của Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Tòa đã thụ lý và xếp lịch xét xử vụ kiện này vào ngày 18.9.2007.
Tuy nhiên, vụ xét xử đã không diễn ra do phía nguyên đơn đã rút đơn kiện vào chiều ngày 17.9.2007 (nguồn tin Báo Hải quan số 113 ngày 20.9.2007).
Thanh tra Bộ Khoa học Công nghệ cho biết: Cục Sở hữu trí tuệ đã nhận và đang xem xét đơn của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Chi Đức, yêu cầu hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa số 77256 với lý do chủ văn bằng không có quyền nộp Đơn. Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thông báo đến các cơ quan hữu quan kết quả giải quyết tranh chấp ngay sau khi có quyết định cuối cùng.
Chúng ta cùng theo dõi diến biến vụ việc./.
(NMT - PNV)
Nguồn: Hải quan Tp.HCM

Xét xử phúc thẩm vụ án hành chính về sở hữu trí tuệ (nhãn hiệu “KINGMAX”)

Ngày 16/01/2009, Tòa phúc thẩm - Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh , đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử vụ án hành chính về việc Công ty Viễn Sơn kiện Quyết định số 1352/QĐ-SHTT ngày 29.10.2007, của Cục Sở hữu trí tuệ về hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hóa (GCNĐKNHHH) số 77256 bảo hộ nhãn hiệu “KINGMAX”. Kết quả là, Tòa đã chấp nhận đơn kháng cáo của Cục Sở hữu trí tuệ, sửa đổi một phần bản án sơ thẩm không chấp nhận đơn khởi kiện của Công ty Viễn Sơn và giữ nguyên Quyết định số 1352/QĐ-SHTT.
Phải nói thêm rằng “KINGMAX” là nhãn hiệu dùng cho sản phẩm linh kiện máy vi tính được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam, do Công ty Kingmax (Đài Loan) sản xuất. Tuy nhiên tại Việt Nam nhãn hiệu này lại được bảo hộ cho Công ty Viễn Sơn (Đại lý độc quyền của Công ty Kingmax theo GCNĐKNHHH 77256 cấp ngày 24 tháng 11 năm 2006. Căn cứ vào GCNĐKNHHH nêu trên, Công ty Viễn Sơn đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền ngăn chặn và xử lý hành chính đối với một số Doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện máy tính do chính Công ty Kingmax sản xuất. Căn cứ vào đề nghị hủy bỏ hiệu lực của một Công ty nhập khẩu, Cục Sở hữu trí tuệ đã ra Quyết định số 1352/QĐ-SHTT hủy bỏ hiệu lực GCNĐKNHHH 77256 với lý do việc nộp đơn của chủ GCNĐKNHHH không đáp ứng quy định tại Điều 14.2.c Nghị định 63/CP của Chính phủ.
Không chấp nhận Quyết định 1352/QĐ-SHTT, Công ty Viễn Sơn đã khởi kiện Quyết định này tại Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. Tại bản án sơ thẩm tuyên ngày 22.10.2008, Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã chấp nhận khiếu kiện của Công ty Viễn Sơn và hủy Quyết định số 1352/QĐ-SHTT. Tuy nhiên do kháng cáo của Cục Sở hữu trí tuệ, nội dung nêu trên tại Bản án sơ thẩm đã bị Tòa phúc thẩm tại Tòa án nhân dân tối cao tại thành phố Hồ Chí Minh bãi bỏ.
Nguồn: Cục SHTT

  2. NHÃN HIỆU BÌNH MINH CÓ TỚI 2 CHỦ

  Nhựa “Ống Bình Minh” nhập nhằng với nhựa “Bình Minh”. Hai công ty đều được cấp giấy phép hợp pháp.
Mới đây, Thanh tra Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM đã nhận được đơn của Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh khiếu nại việc công ty này bị xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với tên thương mại và nhãn hiệu “Bình Minh”.
Xâm phạm cả tên thương mại lẫn nhãn hiệu.
Đầu tháng 3-2008, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh phát hiện có một công ty cùng kinh doanh trong ngành nhựa, cùng hoạt động tại TP.HCM và có tên thương mại, nhãn hiệu mang hai chữ “Bình Minh” giống mình.


Đáng chú ý là công ty này thành lập hoàn toàn hợp pháp theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, được Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp ngày 15-2-2008. Theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp này có tên đầy đủ là Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ và Sản xuất nhựa Ống Bình Minh. Theo đó, tên thương hiệu của công ty này là “Ống Bình Minh”, dẫn đến tên đối ngoại là “Ong Binh Minh Platics Plastics”. Điều này rất dễ làm người tiêu dùng lầm lẫn với Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh với tên thương hiệu là “Bình Minh” và tên đối ngoại là “Binh Minh Plastics”

Sự nhập nhằng còn thể hiện rõ khi trên bảng hiệu của Công ty Nhựa Ống Bình Minh cũng chỉ có chữ “Bình Minh” được trình bày lớn và riêng biệt so với phần tên chung “TNHH TM-DV-SX Nhựa ống”.

Theo bà Nguyễn Minh Hương - Giám đốc Văn phòng luật sư A Hòa, nơi được Công ty Nhựa Bình Minh ủy quyền giải quyết vụ việc, việc Công ty Nhựa Ống Bình Minh tách chữ “ống” trong tên riêng như vậy cho thấy sự cố tình nhập nhằng. Cách làm của Công ty Nhựa Ống Bình Minh đã xâm phạm quyền đối với tên thương mại lẫn nhãn hiệu được bảo hộ của Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh.

 Tháng 4-2008, Công ty Nhựa Bình Minh đã gửi thư khuyến cáo tới Công ty Nhựa Ống Bình Minh yêu cầu công ty này chấm dứt hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tên thương mại và nhãn hiệu “Bình Minh”. Tuy nhiên, phía Nhựa Ống Bình Minh lại có công văn phản hồi cho rằng mình không hề xâm phạm quyền của Công ty Nhựa Bình Minh. Đến nay doanh nghiệp này vẫn đang tiếp tục sử dụng tên “Bình Minh”.

“Nhựa ống” cũng là “nhựa”

Trước đó, giữa tháng 3, Công ty Nhựa Bình Minh đã làm đơn gửi đến Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đề nghị Sở xem xét lại quyết định cấp giấy phép kinh doanh cho Công ty Nhựa Ống Bình Minh. Theo Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh, nôm na nhựa ống hay ống nhựa thì cũng là nhựa. Thực tế khi mua khách hàng sẽ không để ý chữ “nhựa” hay “nhựa ống” khác nhau thế nào.

Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM lại có công văn trả lời là việc Sở cấp giấy đăng ký kinh doanh cho Công ty Nhựa Ống Bình Minh là đúng theo quy định.

Trước tình hình đó, Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh đã gửi đơn khiếu nại đến Thanh tra Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM, nhờ Thanh tra Sở kiến nghị với Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc thay đổi tên của Công ty Nhựa Ống Bình Minh. Đồng thời, buộc công ty này không được sử dụng tên “Bình Minh”.

Theo Thanh tra Sở Khoa học Công nghệ, sau khi làm việc, Nhựa Ống Bình Minh đã cam kết là sẽ thực hiện tháo dỡ bảng hiệu. Riêng việc thay đổi tên thương mại thì doanh nghiệp nói đang xem xét. Thanh tra Sở cũng cho biết cơ quan này đang bàn bạc với lãnh đạo của Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM để đề nghị Sở làm việc với Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị thay đổi tên đã cấp cho doanh nghiệp Nhựa Ống Bình Minh.

 

 

Nếu vi phạm thì phải đổi tên

Theo bà Nguyễn Minh Hương - Giám đốc Văn phòng luật sư A Hòa, khoản 4 Điều 11 Nghị định 88/2006/CP có nói rõ không được sử dụng tên thương mại của tổ chức, cá nhân để cấu thành tên riêng của doanh nghiệp. Trường hợp tên doanh nghiệp vi phạm quy định của pháp luật về bảo hộ sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại thì doanh nghiệp có tên vi phạm phải đổi tên.

Bà Hương cho biết tại Luật Sở hữu trí tuệ, tên thương mại được dùng để phân biệt các chủ thể kinh doanh trong cùng lĩnh vực, khu vực. Nó tự động được bảo hộ ngay khi doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận kinh doanh. Do đó, Công ty Nhựa Ống Bình Minh cố tình lấy tên như vậy là sai quy định.

 

Hoàng Tú
 
Nguồn: báo Pháp luật Tp. HCM
 
 
3. TRANH CHẤP BẢN QUYỀN LOA KÈN
 
(NLĐ) - Ngày 14-9, ông Nguyễn Văn Hồ, ngụ tại phường 2, thị xã Tân An - Long An, cho biết đã thuê luật sư làm thủ tục khởi kiện Công ty TNHH Minh Quân (Vĩnh Long), do đã sản xuất, phân phối chiếc loa kèn, sản phẩm đặc dụng cung cấp cho các đài truyền thanh, giống như sản phẩm của ông đã được Cục Sở Hữu trí tuệ, Bộ Khoa học - Công nghệ cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.

 

Trước đó, Thanh tra Sở Khoa học - Công nghệ Long An đã lấy mẫu loa kèn của Công ty Minh Quân phân phối tại xã Long Hòa, huyện Cần Đước gởi Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định. Ngày 15-8, cục có văn bản phúc đáp, khẳng định tổng thể mẫu sản phẩm của Công ty Minh Quân không có gì khác biệt so với mẫu loa kèn được bảo hộ độc quyền kiểu dáng của ông Hồ. Vì vậy, việc khiếu nại của ông Hồ là có cơ sở. Cục yêu cầu Thanh tra Sở Khoa học - Công nghệ Long An xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

 

Theo ông Nguyễn Văn Hồ, sản phẩm loa kèn do ông sản xuất bằng hợp kim, thời gian sử dụng 30 năm, âm thanh phóng đi trên 3 km, giá 5 triệu đồng/chiếc. Trong khi đó, sản phẩm loa kèn do Công ty Minh Quân sản xuất bằng nhôm, thời gian sử dụng ngắn, nhưng giá thành lại tương đương.

H.Hùng

(Nguồn: Báo NLD)

 

  1. Home
  2. Blogs
  3. Công nghệ - Thông tin - Truyền thông
  4. Sản phẩm